Thạch Phá Thiên theo sau một gã hán tử. Còn bốn gã hán tử áo vàng nữa thì tránh xa ra bảy tám bước rồi lại đi theo sau Thạch Phá Thiên.
Ðoàn người chuyển vào trong núi rồi, hai bên toàn là rừng rậm chỉ có một con đường xuyên qua rừng.
Thạch Phá Thiên chú ý nhìn cảnh sắc bốn mặt để nhận định đường lối phòng khi thoát thân biết đường mà chạy.
Ði thêm mấy dặm nữa lại rẽ vào một con đường toàn đá mọc tai mèo. Mé tả là một lạch nước chảy xiết xô vào đá bật lên tiếng bì bõm. Con đường đi theo lạch nước mỗi lúc một lên cao. Sau khi chuyển qua hai khúc quanh bỗng thấy một thác nước như giải lụa tràng trải từ trên cao mười mấy trượng buông xuống.
Thác nước này là chỗ phát nguyên của lạch nước kia.
Hán tử dẫn đường thò tay vào phía sau một cây lớn bên đường lấy một tấm áo mưa bằng vải dầu treo ở đó từ trước.
Gã cầm áo đưa cho Thạch Phá Thiên nói:
-Quán Nghinh Tân dựng lên trong Thủy Lạc. Ðó là nơi mát mẻ nhất của bản đảo. Xin Thạch bang chúa mặc áo mưa vào để khỏi ướt cả y phục.
Thạch Phá Thiên đón lấy áo mặc vào. Chàng thấy hán tử đi tới gần thác nước rồi tung mình nhảy xuống. Chàng cũng nhảy theo.
Phía trong thác một con đường hầm khá dài. Hai bên đường hầm có thắp đèn dầu. Tuy ánh sáng lờ mờ nhưng cũng có thể trông rõ được đường lối. Chàng theo sau gã kia tiếp tục tiến về phía trước.
Ðường hầm này là một huyệt động thiên nhiên trong lòng núi rồi sửa sang thành đường. Chỗ nào do nhân công đào ra thì rất chật hẹp. Có lúc lại gặp những quãng đường rất rộng. Chàng cảm thấy càng tiến vào sâu dần dần càng đi xuống thấp.
Trong động nghe có tiếng nước chảy róc rách nghe rất lạ đời tưởng chừng như tiếng gõ của khánh ngọc.
Trong sơn động rất nhiều ngách chia đi các ngã.
Thạch Phá Thiên dụng tâm ghi nhớ. Chàng đi trong đường hầm chừng hơn hai dặm thì trước mặt hiện ra một cửa động bằng ngọc thạch xây nên. Trên cổng có khắc ba chữ lớn.
Thạch Phá Thiên liền hỏi:
-Phải chăng đây là quán Nghinh Tân ?
Hán tử đáp:
-Chính phải.
Trong lòng gã hơi lấy làm kỳ tự nghĩ :
-Trên cổng đã đề chữ rõ ràng mà sao hắn còn hỏi làm chi ? Chẳng lẽ hắn không biết chữ hay sao ?
Sự thực Thạch Phá Thiên một chữ cũng không biết. Chàng tiến vào cửa thạch động rồi thì thấy trên mặt đất lát đá rất tề chỉnh.
Hán tử dẫn Thạch Phá Thiên tiến vào thạch động mé tả nói:
-Thạch bang chúa ! Bang chúa hãy nghỉ đỡ ở đây một chút, chờ lúc nữa vào dự yến tiệc đảo chúa sẽ cùng Bang chúa làm lễ tương kiến.
Trong thạch động này cũng có đủ bàn ghế. Ba cây hồng chúc chiếu sáng cả động.
Một tên tiểu đồng bưng trà cùng bốn món điểm tâm vào.
Thạch Phá Thiên vừa nhìn thấy những thức ăn liền nghĩ ngay tới lúc lên đường, Thạch Thanh đã mấy lần căn dặn: "Tiểu huynh đệ ! Ba mươi năm nay không biết bao nhiêu anh hùng hảo hán mình mang tuyệt kỹ đến đảo Long Mộc, dù bản lãnh cao cường đến đâu cũng không thể một mẻ lưới mà quét hết được cả bao nhiêu hào kiệt đứng vào hàng tuyệt đỉnh trong võ lâm. Theo ta phỏng đoán thì trên đảo nhất định họ sử dụng thủ đoạn đê hèn. Nếu họ không bố trí cơ quan đánh bẫy thì trong đồ ăn thức uống họ bỏ chất kịch độc. Họ công nhiên tuyên bố là mời khách dự yến Lạp Bát Cúc khiến cho người ta chỉ chú ý đến bát cháo đó, hoặc giả món cháo này lại không có gì quái lạ, mà trong những thức ăn uống thông thường như nước trà xanh, bánh điểm tâm hoặc rau xanh, cơm trắng có pha chất độc cũng nên, vậy nhất nhất tiểu huynh đệ phải đề phòng. Những lý lẽ đó rất nông cạn Thạch Thanh này đã nghĩ tới thì có lý đâu những tay đầu não các môn phái lớn lại không nghĩ tới ? Khi họ đi đảo Long Mộc đã dự bị những dược vật để giải độc mà rút cục họ đều mắc tay độc thủ, như vậy thì còn trời nào hiểu được. Tiểu huynh đệ ! Chú đầy lòng nhân hậu bản tánh lương thiện, người lành có trời che chở, không đến nỗi phải chịu ác báo. Có điều lúc nào chú em cũng nên đề phòng cẩn thận."
Thạch Phá Thiên bụng nhớ lời dặn ân cần của Thạch Thanh, nhưng mũi lại ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt liền tự nhủ:
-Bụng đã đói mà suốt thời gian ở đảo Long Mộc chẳng lẽ không ăn uống gì thì làm sao chịu nổi ? Vả lại bọn họ mà muốn hạ độc thì bất cứ chỗ nào, lúc nào họ chẳng ám toán mình được ? Trương Tam, Lý Tứ là hai vị ca ca đã cùng ta kết nghĩa kim lan và đã lập lời trọng thệ có phúc cùng hưởng có họa cùng chia. Nếu hai vị đó hại ta thì phỏng có khác gì họ tự hại mình ?
Chàng liền cầm lấy đồ điểm tâm mà ăn ! Cả bốn đĩa điểm tâm chàng ăn hết sạch chẳng còn lại chút nào. Bình thanh trà chàng uống cạn đến quá nửa.
Thạch Phá Thiên ngồi trong thạch động đến hơn một giờ, bỗng nghe tiếng đàn sáo nổi lên.
Gã hán tử dẫn đường lại đến trước mặt chàng khom lưng nói:
-Ðảo chúa có lời mời, xin Thạch bang chúa lên dự yến.
Thạch Phá Thiên đứng dậy theo gã ra khỏi động thì tiếng âm nhạc lại càng vang dội.
Tiếng tơ tiếng trúc pha lẫn với tiếng chuông tiếng trống.
Thạch Phá Thiên sau khi xuyên qua mấy nơi thạch động.
Ðột nhiên hai mắt sáng lòa, chàng thấy trong một tòa sơn động lớn thắp toàn nến mỡ bò.
Trong động bày đến hơn trăm chiếc bàn. Tòa sơn động này thiệt rộng. Tuy đã bày bấy nhiêu bàn ghế mà lối đi vẫn thênh thang. Mấy trăm tên hán tử áo vàng đi lui đi tới dẫn tân khách vào ngồi.
Các tân khách mỗi người chiếm một chiếu riêng.
Bên chủ cũng không đặt nhân sĩ bồi tiếp vào một chiếc nào.
Thạch Phá Thiên đảo mắt nhìn bốn phía. Chàng chợt thất Bạch Tự Tại nghênh ngang ngồi một chiếu. Ðầu bạc phơ nhưng tinh thần có vẻ con người quắc thước. Lão ngồi lẫn với các vị anh hùng, thân thể cao lớn trội hẳn lên tựa hồ chim hạc đứng giữa đàn gà.
Bữa trước lúc ở trong thạch lao vì ánh sáng lờ mờ, Thạch Phá Thiên không nhìn rõ được tướng mạo lão. Hiện giờ dưới ánh đèn đuốc sáng rực thì vị Oai Ðức tiên sinh này coi trang nghiêm chẳng khác một pho thần tượng trong miếu điện khiến ai trông thấy cũng sinh lòng kính phục.
Thạch Phá Thiên chạy đến trước mặt lão lớn tiếng gọi:
-Gia gia ! Cháu đã đến đây !
Trong nhà đại sảnh tuy đông người, nhưng bên chủ nhân tiếp đãi ai cũng nói rất khẽ. Còn bên khách ai cũng nghĩ đến mình sẽ mất mạng trong khoảng khắc, nên trong lòng đều nào núng. Hơn nữa oai danh đảo Long Mộc từng chấn động võ lâm khiến mọi người đều khiếp vía, chẳng ai nói câu nào.
Bây giờ Thạch Phá Thiên đột nhiên la gọi Bạch Tự Tại nên mục quang mọi người đều hướng về phía chàng.
Bạch Tự Tại hắng giọng một tiếng rồi hỏi:
-Thằng quỷ con ngu ngốc kia mi đến đây thì làm sao ta có được chút chắt ngoại?
Thạch Phá Thiên sững sốt. Sau một lúc chàng mới dần dần hiểu ra ý tứ câu nói của lão. Nguyên Bạch Tự Tại có ý nói là Thạch Phá Thiên đến đảo Long Mộc chịu chết, không ở nhà thành thân cùng A Tú để sinh con.
Chàng liền nói:
-Gia gia ơi ! Sử mẫu hiện ở trong thôn chài nhỏ ngoài bờ biển để chờ gia gia đó.
Người dặn cháu nói :
-Chờ gia gia trong một tháng, tức là đến ngày mồng tám tháng giêng, nếu không được gặp mặt gia gia thì y sẽ gieo đầu xuống biển tự tử.
Bạch Tự Tại giương cặp lông mày dài lên hỏi:
-Mụ không lên núi Bích Loa ư ?
Thạch Phá Thiên đáp:
-Gia mẫu nghe gia gia nói vậy, người tức giận lắm đó , người thóa mạ ... thóa mạ gia gia .
Bạch Tự Tại hỏi giật giọng:
-Mụ thóa mạ ta làm sao ?
Thạch Phá Thiên đáp:
-Sử mẫu thóa mạ gia gia là lão điên khùng. Người bảo Ðinh Bất Tứ là con quỷ khinh bạc, đưa lời nói hoang đường. Khi nào Sử mẫu gặp lão sẽ lấy đao khoét vào người lão mười bảy mười tám chỗ cho hả giận.
Bạch Tự Tại cười ha hả. Tiếng cười rung động cả mái ngói. Lão nói:
-Hay lắm ! Hay lắm ! Có thế mới phải !
Ðột nhiên trong góc nhà đại sảnh có tiếng người nói ấm ớ:
-Sao mụ lại mắng ta như vậy ? Ta khinh bạc mụ bao giờ ! Ta đối với mụ vẫn một lòng chí thành, cho đến lúc già cũng không lấy vợ nữa. Thế mà mụ lòng như sắt đá, không chịu đặt chân lên núi Bích Loa lấy một bước.
Thạch Phá Thiên nhìn về phía phát ra thanh âm thì thấy Ðinh Bất Tứ ngồi chống hai tay xuống bàn.
Toàn thân lão run lên. Hai hàng nước mắt lả chả tuôn rơi.
Thạch Phá Thiên bụng bảo dạ:
-Lão ta cũng đến rồi ! Tuổi già như thế mà còn khóc lóc như trò con nít. Sao lão không biết mắc cở ?
Chàng có biết đâu Ðinh Bất Tứ vốn là người phiêu lưu phóng đãng, chẳng úy kỵ điều chi. Bây giờ lão tự nghĩ đến đảo Long Mộc rồi tất nhiên khó bề toàn mạng. Thế là mối tâm nguyện của lão suốt đời không được đền bồi chút nào, khiến lão phải ôm hận mà chết, nên lão thương tâm vô cùng.
Ðinh Bất Tứ nghe Thạch Phá Thiên chuyển lời Sử bà bà cho Bạch Tự Tại, lão không nhịn được, bất giác sa lệ ngồi khóc rưng rức.
Giả tỷ gặp lúc bình thời thì các vị anh hùng đã lấy chuyện này để mua cười. Nhưng hiện giờ mọi người đều lo mình tán mạng đến nơi. Trong lòng ai cũng bi thương vô hạn. Họ chỉ hận mình không khóc với nhau một tiếng, nên chẳng ai nói nửa lời.
Ta nên biết rằng quần hùng đã đến đảo Long Mộc nếu không phải là chưởng môn các phái lớn thì cũng là chúa tể các bang, hội suốt đời bạn với gươm đao thì hai chữ "sợ chết" đối với họ không còn ý nghĩa gì nữa. Nhưng được lấy đao thương tỷ đấu liều mạng thì chuyện sống chết chẳng có chi đáng kể. Ðằng này ai đã đến đảo Long Mộc thì cái chết không thể nào tránh được còn thêm vào tấm lòng nghi hoặc lo sợ nữa. Vậy cái chết ở đây so với hàng ngày đứng trước đại địch giao phong hẳn hoi thì tình cảnh này còn khó chịu hơn nhiều.
Ðột nhiên ở mé Tây tòa viện có tiếng cười lạt mà giọng dẽo dợt như tiếng đàn bà, họ vừa cười vừa nói:
-Chà chà ! Giữ một tấm lòng trung thành cho đến lúc già nua cũng không lấy vợ ! Ðinh Bất Tứ quả là kẻ mặt dày. Ngươi đối với Sử Tiểu Thúy quả có dạ trung thành thật thì làm sao lại sanh ra với tỷ tỷ ta một đứa con gái ?
Ðinh Bất Tứ thẹn đỏ mặt. Lão vô cùng bối rối, đứng lên ấp úng hỏi:
-Ngươi làm sao lại biết chuyện đó ?
Người đàn bà kia đáp:
-Y là chị ruột ta, sao ta lại không biết ? Con nhỏ đó đâu ? Còn sống hay chết rồi?
Ðinh Bất Tứ ngồi phịch xuống ghế thừ mặt ra.
Tiếp theo lại một tiếng "rắc" vang lên ! Cả bốn chân chiếc ghế gỗ kê đều gãy hết.
Người đàn bà kia quát hỏi:
-Con nhỏ đó đâu ? Còn sống hay chết ? Nói mau !
Ðinh Bất Tứ ngập ngừng:
-Ta biết đâu đấy !
Người đàn bà kia lại nói:
-Tỷ tỷ ta lúc lâm tử có dặn ta phải tìm đến ngươi hỏi xem con gái y lạc lõng nơi đâu. Y yêu cầu ta chiếu cố cho đứa nhỏ. Ngươi là một đưa lòng lang dạ thú làm hại một đời tỷ tỷ ta chưa đủ, còn muốn đi hại đến vợ người khác nữa ư ?
Ðinh Bất Tứ ngồi trên chiếc ghế gãy chân, phải nhờ cặp giò chống đỡ. Bây giờ đầu gối nhủn ra, lão ngồi phịch xuống, suýt nữa ngã ngữa. May mà võ công lão tinh thâm, khẽ nhún hai chân xuống mới dứng vững lại được. Nếu là người thường tất phải lăn kềnh.
Người đàn bà kia hỏi bằng một giọng gay gắt hơn:
-Con nhỏ đó còn sống hay chết.
Ðinh Bất Tứ đáp:
-Hai chục năm trước thì y còn sống. Nhưng sau này ta không biết nữa.
Người đàn bà lại hỏi:
-Sao ngươi không đi kiếm y ?
Ðinh Bất Tứ không biết trả lời ra sao, chỉ ấp úng:
-Cái đó .. cái đó ... không phải là chuyện dễ.
Thạch Phá Thiên thấy người đàn bà đang nói đây thân hình bé nhỏ mà thấp lùn, mình mặc áo vóc màu tía. Nàng che mặt bằng tấm sa đen mỏng. Dưới ánh đèn sáng, nàng chẳng có vẻ gì khác lạ. Không hiểu sao Ðinh Bất Tứ trông thấy nàng lại ra chiều sợ sệt, bối rối như vậy ?
Ðột nhiên chuông trống nổi lên rầm vang.
Một hán tử áo vàng dõng dạc nói:
-Hai vị Long đảo chúa và Mộc đảo chúa trên bản đảo nghiêm chỉnh ra mắt tân khách.
Mọi người chấn động tâm thần. Ðến giờ họ mới biết trên đảo Long Mộc có hai vị đảo chúa, một vị họ Long và một vị họ Mộc, vì thế mà hòn đảo này mới có tên là đảo Long Mộc.
Bỗng thấy cánh cửa giữa mở rộng rồi hai hàng người cao có, thấp có, cả nam lẫn nữ đi ra.
Hàng người mé tả mặc toàn áo xanh, hàng người mé hữu mặc toàn áo vàng.
Người giữ lễ lại tuyên bố:
-Chúng đệ tử dưới trướng Long đảo chúa và Mộc đảo chúa ra mắt quý khách.
Mọi người đưa mắt nhìn ra thấy cả hai vị sứ giả Thưởng Thiện, Phạt Ác đi phân phát thẻ đồng bữa trước cũng có mặt tại đám đông.
Trương Tam mặc áo vàng đứng thứ mười một bên mé hữu, Lý Tứ mặc áo xanh đứng thứ mười ba ở mé tả. Sau hai người này mỗi bên còn có đến trên hai chục người nữa.
Ai nấy bất giác cảm thấy ớn lạnh xương sống.
Võ công Trương Tam, Lý Tứ mọi người đã thấy rồi. Té ra hai gã còn có rất nhiều huynh đệ đồng môn, chắc bản lãnh những người kia cũng tương đương với gã. Ai nấy bụng bảo dạ:
-Thảo nào ba mươi năm nay bao nhiêu anh hùng hảo hán đã đến đảo Long Mộc không còn sống sót trở về. Chưa kể đến người khác, chỉ hai sứ giả Thưởng Thiện, Phạt Ác ra tay thì những nhân vật nổi tiếng võ lâm ở Trung Nguyên chúng ta cũng chẳng có mấy tay là chống đỡ nổi lấy hai chục chiêu.
Hai hàng đệ tử đứng nhìn hai bên tả hữu. Họ nhất tề khom lưng hướng về phía quần hùng thi lễ rất cung kính.
Quần hùng vội đáp lễ. Ai cũng nghĩ tới Trương Tam cùng Lý Tứ ngày đi phân phát thẻ đồng ở Trung Nguyên vừa cười nói vừa giết người rất ung dung. Chúng chỉ giơ tay một cái là cả một bang hội hoặc một môn phái bị giết sạch. Hiện giờ chúng về đảo, mắt không dám nhìn ngang nhìn ngửa giữ thái độ cực kỳ nghiêm cẩn.
Giữa tiếng âm nhạc vang lừng, hai lão già từ từ cất bước đi ra.
Một lão mặc đồ vàng, một lão mặc đồ xanh.
Người giữ lễ lớn tiếng hô:
-Tệ đảo chúa hoan nghênh các vị quý khách.
Hai vị Long, Mộc đảo chúa xá dài đến tận đất. Quần hùng tới tấp đáp lễ.
Lão mặc áo hồng bào là Long đảo chúa cười ha hả nói:
-Tại hạ cùng Mộc huynh đệ đây ở nơi hoang đảo hẻo lánh mà bữa nay được cùng các vị cao hiền tương kiến, rất lấy làm vinh hạnh. Có điều trên hoang đảo cảnh vật hủ lậu, cách khoản đãi không được chu đáo, mong liệt vị lượng thứ cho.
Thanh âm lão ôn hòa vui vẻ.
Long Mộc là một hòn đảo lẻ loi trong miền Nam Hải mà khẩu âm Long đảo chúa lại giống người ở Trung Châu.
Mộc đảo chúa nói:
-Mời liệt vị an tọa.
Thanh âm y lanh lảnh tựa như người ở vùng Mân Quảng.
Quần hùng an tọa rồi, hai vị Long, Mộc đảo chúa mới ngồi vào thủ vị ở mé Tây.
Còn bọn đệ tử không ai được ngồi, họ đều đứng thõng tay chầu chực.
Quần hùng bụng bảo dạ:
-Cách mời khách của đảo Long Mộc cực kỳ bá đạo. Hễ khách không chịu đi là tru diệt hết cả môn phái hay bang hội. Nhưng khách lên đảo rồi thì lễ nghi đón tiếp lại vô cùng chu đáo. Ta hãy chờ xem họ còn đi những nước cờ gì nữa.
Có người lại lẩm bẩm:
-Người giám trảm lúc lôi tội nhân ra hạ sát còn cho ăn một bữa no say, nói mấy lời an ủi. Cuộc thết yến này chắc là bữa ăn cho chúng mình trước khi bị hạ sát.
Lúc mọi người liếc mắt ngó hai vị đảo chúa thì thấy Long đảo chúa râu tóc bạc phơ, mặt mũi hồng hào như trẻ nít. Còn Mộc đảo chúa mái tóc dài chỉ còn lơ thơ, phần đen nhiều hơn phần bạc. Nhưng mặc lão đầy vết nhăn nheo. Rút cục họ bao nhiêu tuổi thật khó mà đoán được. Cứ trông bộ mặt thì bảo họ sáu chục hay chín chục đều được cả, mà cho là họ đã ngoài trăm tuổi cũng chẳng có chi quá đáng.
Mọi người thi lễ xong ngồi xuống. Bọn chấp sự trên đảo lại rót rượu và đưa thức ăn.
Bàn nào cũng có bốn bát đĩa cả thảy tám món.
Những món ăn gồm có : Thịt gà, cá, tôm, thịt heo mùi thơm ngào ngạt đưa lên mũi, xem chừng có vẻ ngon lành chứ chẳng có chi khác lạ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét