Ngày hôm sau là ngày Tết Trung thu, nên hôm đó Triều Tôn với Bàng Cử theo mọi người lên núi thật sớm. Khi đi tới lưng núi thì vừa đúng giờ ngọ đã có mười mấy người khiêng sẵn cơm nước ở đó chờ đợi rồi, nhưng các món ăn đều là món chay hết. Mọi người ăn uống xong, nghỉ ngơi một lát rồi lại tiếp tục đi luôn.
Từ chỗ nghỉ chân lên tới đỉnh núi, suốt dọc đường đều có trạm canh và khám xét rất nghiêm ngặt. Khi bị khám xét tới bọn Triều Tôn ba người, thì Trọng Thọ tiến lên gật đầu một cái, người canh gác để cho đi qua. Triều Tôn nghĩ thầm: "Nguy nan thật, nếu tối hôm qua không trò chuyện với Trọng Thọ thì ngày hôm nay chưa biết số phận mình sống chết ra sao?"
Đến lúc chiều tà mới lên tới đỉnh núi. Mấy trăm hảo hán, cao có, thấp có, đã xếp hàng đứng nghênh tiếp mọi người. Có một người vừa cao vừa mập, vạm vỡ khác thường, hình như là thủ lãnh của nhóm người ra đón, thấy Tô Trọng Thọ, vội tiến tới đó chào. Rồi, hai người dắt tay nhau cùng đi vào trong nhà. Triều Tôn thấy trên núi thưa thớt có mấy chục nóc nhà. Căn lớn nhất hình như là một ngôi chùa hoặc miếu. Những căn nhà đó không phải là nhà thường dân, mà cũng không giống sơn trại nào của giặc cướp. Vì không có một căn nào xây lầu canh pháo lũy cả.
Ở dưới núi, Bàng Cử đã thấy kiểu cách của các người ấy khác những đám giặc cỏ mọi nơi, thì chắc trên sơn trại thế nào cũng hùng vĩ lạ thường, nhưng có ngờ đâu lại sơ sài nghèo nàn đến thế! Chàng phân vân không hiểu những người này là hạng người gì?
Chàng nghĩ thầm: "Mình lăn lộn trong đám giang hồ chẳng gì cũng đã được mấy năm trường. Việc gì chẳng mục kích qua? Trường hợp nào chẳng có mình dự qua? Nhưng lần này có điều lạ nhất là những người này phần nhiều ở nơi xa xôi hàng nghìn vạn dặm tới. Khi gặp nhau, thái độ của họ thân mật như anh em ruột thịt, mà sắc mặt thì buồn bực phẫn uất, không thấy một người nào tươi cười vui mừng cả?"
Triều Tôn và ba người được dẫn vào nghỉ một căn phòng nhỏ. Một lát sau, có người bưng cơm nước tới. Có bốn món chay và hơn 20 cái bánh mì hấp (Người phía Bắc Trung Hoa ăn bánh mì hấp thay cơm). Đêm hôm đó, Triều Tôn cùng Bàng Cử bàn tán thầm thì. Cả hai đều không hiểu những người kia quy tụ trên núi này làm gì? Ngày hôm sau là ngày 16 tháng 6, hai người vừa ăn điểm tâm xong, ra ngoài dạo chơi quanh núi thấy đâu đâu cũng có những đại hán lạ mặt, có kẻ mặt đầy những sẹo vết thương, có người què chân cụt tay, đều là chiến trường trải, phong sương lịch duyệt cả. Hai chàng sợ người ta nghi kỵ lại sinh tai bay vạ gió thì nguy, nên vội trở về phòng ngay, cả ngày không dám ra khỏi phòng.
Hôm đó bốn bữa ăn đều toàn những món chay cả. Bàng Cử rủa thầm: "Chúng làm chay cúng cha cúng tổ, mặc chúng! Tại sao lại bắt buộc cả tụi mình phải ăn nhạt theo chúng thế này?"
Tới lúc hoàng hôn, bỗng tiếng chuông vang tai inh ỏi, có một người vào mời.
- Tổ tướng công mời quí vị lên trên điện xem làm lễ.
Triều Tôn và Bàng Cử theo người đi liền. Hầu Khang cũng định đi theo, người kia vội xua tay:
- Cậu em ở lại. Đi ngủ sớm còn hơn.
Triều Tôn và Bàng Cử theo người kia đi vòng qua mấy căn nhà ngói, đến một ngôi miếu.
Triều Tôn ngửng đầu thấy trên cửa có treo một tấm hoành phi đề ba chữ "Trung Liệt Từ", chàng nghĩ thầm: "Đây là căn từ đường, không hiểu họ thờ những ai thế?"
Xuyên qua gian ngoài và sân giữa thấy hai bên đều có để giá bày võ giới. Nào đao kiếm thương kích đủ thập bán ban, cái nào cái nấy đều lau chùi bóng lộn choáng mắt.
Vào tới đại điện, hai chàng thấy có ngót ba ngàn người, ngồi đông kín cả điện. Giựt mình hoảng sợ, hai chàng ngạc nhiên vì trên hoang sơn này sao lại tụ họp được nhiều người đến thể?
Triều Tôn nhìn lên bàn thờ thấy thờ một pho thần tượng, khôi giáp đàng hoàng ngoài phủ một cẩm bào, tay trái cầm bảo kiếm nhà vua, tay phải một cờ lệnh mặt xương xương, râu ba chòm, trông rất oai nghi, nhìn thẳng về phía trước có vẻ lo âu.
Hai bên có bầy hai hàng bài vị, vì đứng xa quá, nên chàng không trông thấy rõ những tên họ viết trên linh vị đó.
Mọi người đều phủ phục vái lạy. Một tiểu đội mặc áo đại tang tiến trước mặt mọi người, rồi phục xuống đất đáp lễ. Triều Tôn và Bàng Cử đều giựt mình vì thấy tiểu đồng ấy lại là tên mục đồng giết cọp đêm qua.
Mọi người vái lễ xong rồi đứng dậy, ai nấy nước mắt ràn rụa vẻ mặt đầy phẫn uất. Trọng Thọ nói với Triều Tôn:
- Hầu huynh tài hoa xuất chúng xin sửa chữa dùm cho những câu văn viết sai trong văn tế mà đệ đã soạn thảo.
- Dạ, đệ không dám nhận những lời quá khen ấy.
Trọng Thọ sai người đem văn phòng tứ bảo ra và nói tiếp:
- Sở dĩ tiểu đệ mời Hầu huynh lên đây cũng vì muốn nhờ vả đến tài ba của Hầu huynh để làm cho công luân của Nguyên nhung chúng tôi được vẻ vang thêm.
Triều Tôn khó xử quá, vì biết Vua Sùng Chính đã bị trúng kế phản gián của quân Thanh mà đem Viên Sùng Hoán ra xử trảm, thiên hạ ai ai cũng biết ông này bị oan. Nhưng đó là Thánh chỉ của nhà Vua, nếu người nào đứng ra minh oan cho ông ta sẽ mang tội phạm thượng và bị xử tử ngay, biết rõ như thế nhưng nay Trọng Thọ nhờ vả tới, không lẽ chẳng chối từ.
Dù sao chàng cũng là một văn nhân, nên chỉ nghĩ ngợi giây phúc rồi cầm bút viết luôn: "Tiến quân sắp tới Hoàng Long, Nhạc Nguyên soái đã bị thác oan. Nhà Hán đang phục hưng, Gia Cát quân sư đã vội lánh trần. Ô hô! Ai tai! Thượng hương!" Chàng lấy cố nhân ra vị văn tế này nếu có lỡ lọt vào tay nhà vua, thì cũng không thể khép tội cho chàng được.
Trọng Thọ thấy Triều Tôn hạ bút như rồng bay phượng múa mừng lắm. Và Tôn lại ví Viên Sùng Hoán như Gia Cát Khổng Minh và Nhạc Phi thật là ca ngợi hết bề nói. Mà sự thực cảnh ngộ của Viên Đốc Phủ cũng hơi giống cảnh ngộ của Nhạc Nguyên Soái, chứ không phải chàng tâng bốc bậy. Trọng Thọ giải nghĩa mấy câu đó cho mọi người hiểu. Ai nấy đều đồng thanh cám ơn và tỏ vẻ có thiện cảm với Triều Tôn và Bàng Cử, không coi hai người như khách lạ nữa.
Trọng Thọ lại nói:
- Văn bút của Hầu huynh quả thật khác thường. Huynh dùng hai vị thánh hiền Gia Cát và Nhạc Vũ Mục để ví, khiến Nguyên Nhung chúng tôi ở dưới chín suối cũng được hân hạnh vô cùng. Lát nữa đệ sẽ cho người khắc mấy câu nói đó vào bia đá dựng trước cửa miếu.
Triều Tôn vội bái tạ.
Hành lễ xong, mọi người ngồi về chỗ cũ. Người xướng lễ lại lên tiếng hô: "Mỗ Dinh, X Tướng quân," hoặc là "Mỗ trấn, Y Tổng Binh."
Cứ mỗi lần hô xong một danh tánh chức vị nào lại có một người đứng lên trình diện và báo cáo. Nghe thấy chức hạ cũ của Viên Sùng Hoán. Sau khi Viên tướng quânbị hãm hại, các bộ hạ tản mát đi bốn phương. Rồi hàng năm đúng ngày, đúng giờ họ đến núi Lão Ô này tụ họp, để làm lễ tưởng niệm vị chủ tướng cũ.
Những lời báo cáo của họ, có tới tám chín mươi phần trăm chàng Triều Tôn không hiểu. Hình như họ còn mưu toan sự gì nữa. Khi người xướng lễ hô tới tên: "Kế Trấn Phó tổng binh Châu An Quốc."
Có một người đứng dậy, Triều Tôn và Bàng Cử đều giật mình, ngạc nhiên. Người đó chính là người nông dân đã đưa Tôn và Cử vào ẩn núp trong hang núi.
Bàng Cử nghĩ thầm: "Không ngờ y lại là một danh tướng đã đánh bại giặc Liêu Ninh. Như vậy mình thua ông xa."
Châu An Quốc nói:
- Còn nội một năm năy, tiểu chủ đã tiến bộ về võ nghệ, và cũng đã đọc được rất nhiều cuốn sách. Võ nghệ của tôi và của hai chú La, Ngụy đều truyền thụ hết cả cho Công tử rồi. Xin các vị đề cử danh sư khác cho.
Trọng Thọ nói tiếp:
- Trong nhóm anh em chúng ta, chẳng còn ai võ nghệ quật cường bằng ba vị!
Vậy Châu tướng quân đừng nên khiêm tốn mà chối từ nữa.
- Tiểu chủ thông minh lạ thường, mới chỉ bảo qua loa mà cậu ấy đã hiểu ngay. Tất cả tài nghệ của chúng tôi đều đã đem ra dạy cho cậu ấy hết cả rồi. Thật quả phải mời vị danh sư khác dạy bảo, để khỏi lỡ mất thời giờ quý báu của cậu ấy đi.
- Thôi được, việc này để lát nữa sẽ bàn định sau. Còn vụ tiêu diệt kẻ gian phi, có kết quả gì không?
Người họ Ngụy đã giết chết mãnh hổ, liền đứng dậy tường trình:
- Tháng trước, La tướng quân theo dõi tên gian tặc họ ôn, tới Triết Giang thì diệt được y. Còn tên gian tặc họ Sử thì 10 ngày trước đây đã bị tôi giết chết tại Tràng An. Hai thủ cấp của chúng đều có cả ở đây.
Nói đoạn, y mở cái túi vải để dưới đất, lấy hai cái đầu lâu ra. Mọi người đều phẫn nộ, hô lớn: hoan nghênh. Và cũng có một số người nghiến răng nguyền rủa hai cái thủ cấp đó.
Trọng Thọ đặt hai cái đầu gian tặc lên trên bàn thờ, rồi quỳ xuống khấn vái. Tới lúc này Triều Tôn mới biết hai cái đầu người mà đêm nọ mình trông thấy trong hòm áo là thủ cấp của kẻ thù nhà họ Viên. Chắc hai người này là kẻ gian đã liên can vào vụ hãm hại Viên Sùng Hoán. Lúc đó, lại có vài người đêm những thủ cấp khác ra trình.
Thế là trên bàn thờ bày la liệt mười mấy cái đầu người.
Nghe lời báo cáo của họ, trong những đầu lâu này có một cái là đầu của quan Ngự sử đương thời, họ Triều Tôn đã được cha kể truyền cho nghe, quan Ngự sử này đã tâu với vua, vu oan cho Viên Sùng Hoán là mãi quốc cầu vinh, tư thông với địch, nên y bị cho quan thanh liêm khinh miệt. Vì vậy, ngày nay y mới bị bộ hạ của Viên Sùng Hoán giết chết. Mọi người báo cáo xong, Trọng lại lên tiếng:
- Thù lớn của chúng ta chưa báo xong, vua thái của Sát Từ (Mãn Thanh) và vua Sùng Chính vẫn còn tồn tại. Vậy các vị có cao kiến gì để trả thù cho Đại soái của chúng ta không?
Một người lùn đứng dậy nói:
- Tổ tướng công!
Tiếng nói của y lớn như tiếng sấm. Triều Tôn và Bàng Cử không ngờ người y bé nhỏ như vậy mà tiếng nói lại lớn đến thế đều phải giựt mình kinh ngạc.
Tổ Trọng Thọ trả lời:
- Chẳng hay Triệu tống binh có ý kiến gì? Xin cứ phát biểu.
Người lùn đó nói:
- Theo ý tôi⬦
Chưa dứt lời, bỗng có một người từ ngoài cửa hấp tấp chạy vào bẩm rằng:
- Bẩm, Lý Tự Thành tướng quân có sứ giả vào hầu kiến.
Mọi người thấy nói đến ngạc nhiên bàn tán ầm ỹ.
Trọng Thọ nói:
- Triệu tổng binh hãy khoan phát biểu. Chúng ta ra đón sứ giả của Lý tướng quân trước đã.
Triệu tổng binh:
- Xin tuân lệnh.
Nói đoạn, y đảo chân đi ba bước. Mọi người đều đứng dậy. Cánh cửa lớn mở rộng và một bàn tay cầm bó đuốc đứng sang hai bên, rồi có ba người bước vào. Bàng Cử ở Thiểm Tây đã nghe danh Lý Tự Thành từ lâu. Biết y làm phản, giết quan quân, oai thế rất lớn nên chàng muốn coi xem bộ hạ của y là những hạng anh hùng hảo hán nào?
Chàng thấy một người đi trước thời ngoài 60 tuổi, mặt rỗ tóc rối bù, mặc quần áo bóng cũ rách cả khuỷu tay và dưới đầu gối, chân đi đôi giày cỏ, không khác gì một tên công dân thường ở tỉnh Thiểm Tây.
Hai người đi theo sau, một người ngoài 30 tuổi, mặt trẳng trẻo trông nho nhã tuấn tú, ăn mặc gọn ghẽ, tỏ vẽ văn nhân và một người nữa, ngoài 20 tuổi, thân hình vạm vỡ, da mặt ngăm đen, ăn mặc theo lối nông dân. Người đi đầu tiên thẳng tới trước bàn thờ rồi đứng yên. Người mặt trắng lấy hương nến trong bọc áo ra, thắp lên và cắm vào bát hương. Rồi cả ba cùng quỳ xuống vái. Tiểu mục đồng quỳ cạnh bàn thờ đáp lễ. Ba người lễ xong. Người mặt rỗ lớn tiếng nói:
- Lý Tự Thành tướng quân chúng tôi được biết Viên đại nguyên soái ở Liêu Đông đã đánh lui quân Sài Tứ, lập công lớn, nên Tướng quân chúng tôi rất thán phục. Sau lại hay tin Viên đại nguyên soái bị nhà Vua nghe lời vu oan, giết chết. Thiên hạ bá tánh ai ai cũng đều căm hận. Bấy giờ quan buộc dân làm loạn, chúng tôi đói rét quá, đành phải kháng cự, không chịu nộp lương và giết quan quân. Cầu anh linh của Viên đại nguyên soái phù hộ chúng tôi đánh lên Bắc Kinh. Bắt tất cả nhà Vua và bè lũ gian tham, đem ra giết hết, để trả thù cho Viên đại nguyên soái và dân chung của thiên hạ.
Nói xong, y lại vái mấy cái.
Mọi người thấy sứ giả của Lý Tự Thành tôn trọng Đại nguyên soái của mình đến thế, ai nấy đều có thiện cảm với người ấy. Tổ Trọng Thọ tiến lại gần, chấp tay chào và nói:
- Chúng tôi rất cảm ơn quý thịnh tình. Xin ngài cho biết cao tính danh là gì?
- Tôi là Lưu Nhất Hổ, Lý tướng quân chúng tôi hay ngày hôm nay là ngày giỗ kỵ của Viên đại nguyên soái, thế nào quí vị cũng tới sùng lễ, nên sai tôi đến đây đại diện dự lễ và để cùng quý vị tương kiến.
- Dạ, tôi là Tổ Trọng Thọ.
- Thế thì Tướng quân là lệnh đệ của Tổ đại tướng quân đấy! Anh danh của Tổ đại tướng quân lừng lẫy bốn phương, chúng tôi rất bái phục!
Hai người đang trò chuyện, người tùy tùng mặt đen của Nhất Hổ bỗng thấy đứng chặn ngay cửa giữa.
Xuất kỳ bất ý, mọi người cùng ngơ ngác không hiểu có chuyện gì đã xảy ra, ai nấy đều đứng dậy.
Lúc ấy người thiếu niên mặt đen chỉ thẳng vào mặt hai người đứng lẫn trong đám người tới dự lễ mà quát rằng:
- Hai ngươi là bộ hạ của Tào thái giám, đến đây để làm gì?
Lời của y vừa dứt, mọi người đều kinh ngạc. Thì ra sau khi Vua Sùng Chính xử trảm Ngụy Trung Hiền và Khách Thị rồi, trong triều đình nghịch đảng đã bị quét sạch. Nhưng tính vua hay đa nghi, không tín nhiệm một vị đại thần nào cả, mà chỉ tin dùng có tên Thái giám theo hầu từ hồi nhà vua còn là Thái tử. Thái giám ấy tên là Tào Hóa Thuần. Y là thủ lãnh đội vệ sĩ của nhà Vua, chuyên môn phụ trách mặt điều tra các quan văn võ trong triều hoặc ở khắp nơi.
Tên tuổi của Tào thái giám không ai không biết tới. Cho nên người thanh niên mặt đen vừa quát hỏi xong, mọi người đều giựt mình sợ hãi.
Hai người kia, một người cằm tua tủa mọc râu vàng, tuổi ngót 40. Còn người nọ, mặt trắng, không râu, nhưng béo mập và lùn. Người béo lùn biết sắc mặt, nhưng y trấn tỉnh lại ngay, rồi vừa cười vừa nói:
- Ông hỏi tôi đấy ư? Xin ông đừng nói bông, nói đùa như vậy!
Người thanh niên mặt đen lại quát:
- Hừ; Ta thèm nói bông nói đùa à! Hai người ở lại điếm lén lút bàn tán, định vào trong núi này nằm vùng, rồi sai người đi báo cáo cho Tào thái giám hay, để đem quân đến vây bắt tất cả. Ta đã nghe rõ hết những lời bàn bạc của hai ngươi.
Tên râu vàng rút luôn đơn đao ra, định xông lại thí mạng với người thanh niên mặt đen. Nhưng tên mặt trắng béo mập kia vội cản lại, rồi nói:
- Lý Tự Thành định dụ dỗ anh em trên núi nhập bọn với y. Điều này ai cũng biết cả. Bây giờ các ngươi muốn đến đây làm ly gián anh em chúng ta không được đâu!
Tiếng nói của y nhỏ bé, giống hệt giọng nói của các vị Thái giám. Tuy vậy, lời nói của y cũng làm cho ý chí một số người bị lung lay; họ hoài nghi ba người sứ giả của Lý Tự Thành không phải thật tâm đến để dự lễ cúng kỵ Viên tướng quân.
Lưu Nhất Hổ tuy xuất thân ở nông dân nhưng dầu dự rất nhiều trận chiến, trở nên điêu luyện thành con người gan thép, nên rất tinh khôn và minh mẫn. Chàng thấy sắc mặt biến đổi của nhiều người, biết ngay lời nói của tên mặt trắng đã có hiệu lực liền đứng dậy thét hỏi:
- Ngài là ai? Có phải là bạn hữu của Sơn Tôn này không?
Hỏi trúng chỗ yếu, người kia không trả lời được.
Tổ Trọng Thọ cũng thét hỏi:
- Bạn có phải là bộ hạ cũ của Viên đại soái không? Tại sao tôi chưa hề gặp bạn bao giờ? Bạn là thủ hạ của vị Tổng binh nào?
Người mặt trắng biết việc đã bại lộ, liền đưa mắt ra hiệu với tên râu vàng. Cả hai cùng nhảy tới phía cửa giữa. Tên râu vàng dùng thế "Cực Lịch Hoa Sơn" chém thẳng một đao vào mặt thanh niên mặt đen. Tên mặt trắng nọ, trông như nam bán nữ, nhưng hành động của y cũng nhanh nhẹn lạ lùng. Y rút luôn đôi bút Phán Quan ở trong tay áo ra, nhắm ngay giữa ngực thanh niên mặt đen điểm tới. Vì tỏ thái độ tôn sùng, đến đây chỉ có mục đích dự lễ tế Viên Sùng Hoán, chàng thanh niên mặt đen không đem theo khí giới. Mọi người thấy chàng tay không tình thế có vẻ nguy ngập, liền có bảy, tám người võ giỏi vô địch xông tới cứu chàng.
Ngờ đâu võ nghệ của chàng cũng cừ khôi lắm, tay trái nhanh như gió giở miếng "Cầm Nã thủ" nắm luôn cổ tay tên râu vàng. Đồng thời, tay phải của chàng duỗi thẳng hai ngón tay trỏ và giữa đâm thẳng vào hai mắt của tên mặt trắng. Hai tác động của chàng tuy phát động sau, nhưng lại tới trước. Tên râu vàng và tên mặt trắng đều hoảng sợ, phải lùi lại thủ thế ngay. Mọi người thấy chàng thanh niên chỉ một miếng võ đã chuyển từ thủ ra công ngay.
Ai nấy đều dừng bước, khen ngợi thầm. Hai tên kia thấy không thể xông ra nổi bên ngoài, biết mình ở trong hang hổ, tình thế nguy ngập vô cùng, nên vừa lui một bước, cả hai nhất loạt tiến lên. Thanh niên mặt đen chỉ dùng song chưởng, tả xông hữu đụt, ra vào trong đơn đao và song bút.
Chàng tấn công nhiều hơn thủ thế. Hai tên kia mấy lần định tiến tới ngưỡng cửa, nhưng lại đều bị chàng nọ dồn lui trở lại.
Tên mặt trắng nóng ruột thay đổi luôn luôn bút pháp. Cặp bút của y đâm ngang, điểm dọc. Miếng nào cũng nhằm những yếu huyệt của chàng thanh niên mà tấn công.
Còn khách râu vàng thì áp dụng đao pháp của Võ Thắng môn Sơn Tây. Đứng theo lối trung bình tấn, đao nào của y cũng nhằm hạ thổ địch mà trảm. Thấy tình thế của thanh niên nọ nguy cấp, mọi người định xông lại giải cứu. Nhưng ai nấy thấy Lưu Nhất Hổ có vẻ trấn tĩnh lạ thường, nên cũng yên trí ngồi xuống xem họ tiếp tục tranh đấu. Mọi người nghĩ thầm: "Người cùng đi với họ mà không lo ngại thì tất nhiên họ phải như thế nào mới bình tĩnh như thế được. Ta hãy ngồi xem kết quả ra sao."
Ba người tiến lên, lùi xuống, tung hoành trong điện. Thấy lúc đang hăng hái chiến đấu, khách râu vàng bỗng kêu tiếng với giọng bi đát, đơn đao của y tuột tay bay vàođám đông người. Châu An Quốc nhảy lên bắt lấy chiếc đơn đao ấy. Ngay lúc đó người thanh niên mặt đen tiến lên một bước, giơ chân trái đá tên râu vàng ngã xuống. Trong lúc chân trái của chàng chưa thâu về, chân phải lại thừa thế đá luôn tên mặt trắng. Tên này võ nghệ khá hơn, nên y khòm lưng, thót bụng lại tránh miếng đá đó và đồng thời song bút của y phản điểm lại giữa ngực của địch. Nhưng tay phải của thanh niên mặt đen nhanh như chớp nhoáng, đột nhiên nắm lấy ngọn bút bên trái của tên mặt trắng. Rồi vặn mạnh một cái, chàng đã cướp được cây bút sắt của kẻ địch. Lúc ấy, cây bút bên phải của tên mặt trắng đã điểm tới, nhưng nhanh như cắt, chàng thanh niên liền dùng cây bút vừa giựt được gạt ngang luôn. Hai bút va chạm nhau "keng" một tiếng, bật đom đóm lửa lên. Tên mặt trắng bỗng cảm thấy hổ khẩu tay đau đớn lạ lùng, và cây bút cũng rời khỏi tay. Chàng thanh niên mặt đen cười khoái trá, tay phải túm luôn ngực kẻ địch và nhấc bổng lên, tay trái của chàng kéo luôn quấn của tên mặt trắng ra.
Đang khi mọi người đều ngạc nhiên, thanh niên mặc đen vừa cười vừa nói:
- Đây, xin quí vị lại gần chứng kiến xem y có phải là Thái giám không?
Lúc này mọi người mới hiểu tại sao người thanh niên mặt đen lại có cử chỉ lạ lùng như thế. Ai nấy cùng nhìn thẳng vào người tên mặt trắng. Quả thật y đã bị hoạn tất.
Mọi người đều cười ồ và xúm đông lại xem. Thấy chàng thanh niên mặt đen giải quyết rất nhanh chóng chứng tỏ võ nghệ chàng rất cao cường, ai nấy đều kính phục.
Lúc ấy bây giờ đã có người đến đè đầu hai tên gian tiếp xuống. Tổ Trọng Thọ quát hỏi:
- Tào thái giám phái hai người đến đây làm gì? Có bao nhiêu đồng đảng? Và trà trộn vào đây bằng cách nào?
Hai tên nọ làm thinh không trả lời. Trọng Thọ đưa mắt ra hiệu, La tham tướng giơ đơn đao lên, chỉ trong nháy mắt đã hạ luôn thủ cấp của hai tên gian phi và đặt lên trên bàn thờ. Trọng Thọ chắp tay vái chào Lưu Ninh Hổ và nói rằng:
- Nếu ba vị không lột mặt nạ của bọn gian tặc kia giúp cho thì họa lớn đến nơi chúng tôi cũng không hay.
Lưu Nhất Hổ vội đáp lời:
- Việc này chỉ là một sự ngẫu nhiên. Chúng tôi gặp bọn chúng ở dọc đường. Thấy chúng nó có nhiều điểm khả nghi nên chúng tôi để ý theo dõi. Đêm hôm qua, theo chúng vào một khách sạn, chúng tôi mới khám phá được tung tích của chúng.
Trọng Thọ nói với hai người tùy tòng của Nhất Hổ rằng:
- Hai vị quí danh là gì?
Người mặt mũi tuấn tú tự xưng họ Điền và người thanh niên mặt đen là họ Thôi.
Châu An Quốc tới gần nắm tay thanh niên mặt đen tỏ tình thân thiện và khen ngợi luôn miệng.
Nhất Hổ, Trọng Thọ và mấy vị thủ lãnh dắt nhau vào nhà trong đàm thoại bí mật.
Nhất Hổ phát biểu rằng:
- Lý Tự Thành tướng quân mong được liên minh với quí vị để đánh đổ nhà Minh.
Các bộ hạ của Viên Sùng Hoán trù trừ chưa dám quyết định. Sau cùng Trọng Thọ nói:
- Hành động của chúng ta đã bị Tào thái giám biết rồi. Nếu không liên minh với Lý tướng quân đề cử đại sự thì làm sao mà trả thù cho Viên nguyên soái và giết vua Sùng Chính được. Lỡ Tào thái giám phái quân đi khắp nơi đón giết chúng ta thì sao?
Mọi người nghĩ lại cũng phải, nên cuộc liên minh với Lý Tự Thành được giải quyết xong ngay.
Bên trong mọi người thương lượng liên minh đại kế.
Ngoài điện Châu An Quốc và Đả Hổ Anh Hùng Ngụy Hạo kéo thanh niên mặt đen Thôi Sơn ra một nơi tĩnh mịch trò chuyện.
Châu An Quốc nói:
- Thôi đại ca, hôm nay chúng ta tuy mới gặp nhau lần đầu nhưng nhất kiến vị của đại ca đừng coi chúng ta như người ngoài.
Thôi Thu Sơn trả lời:
- Hai vị đại ca trước kai đánh quân Thanh bảo vệ dân chúng, đệ xưa nay khâm phục lắm. Hiện nay đệ lại được hân hạnh gặp quý bạn anh hùng trên Sơn Tôn này, đệ rất lấy làm sung sướng.
Ngụy Hạo nói:
- Tôi nói câu này hơi đường đột xin đại ca thứ lỗi cho. Chẳng hay đại ca học vị danh sư nào?
Thôi Thu Sơn, hai mắt bỗng đỏ ngầu, trả lời:
- Gia sư là Nhất Thanh Lôi Trương Bạch Đế qua đời đã từ lâu năm rồi!
Châu An Quốc và Ngụy Hạo đưa mắt lên nhìn nhau trong lòng tỏ vẻ hoài nghi. Song Ngụy Hạo tính tình thẳng thắn, không nhịn được, nói liền:
- Nhất Thanh Lôi Trương lão tiền bối, chúng tôi ngưỡng mộ đã lâu, nhưng có một câu này xin Thôi đại ca chớ khiển trách, võ nghệ của Trương lão tiền bối tuy cao cường thật nhưng hình như còn kém Thôi đại ca xa.
Thôi Thu Sơn lẳng lặng không nói nửa lời. Thấy vậy, Châu An Quốc lại nói:
- Trò giỏi hơn thầy, đó cũng là lẽ thường. Nhưng vừa rồi, tôi thấy thân pháp và thủ pháp của Thôi đại ca trong lúc triệt hạ hai tên gian tế thì hình như đại ca còn được sự chân truyền khác.
Thôi Thu Sơn nghĩ ngợi giây phút mới trả lời:
- Hai vị là bạn quen, tôi không dám giấu diếm. Sau khi sư phụ tôi tạ thế, trong một trường hợp ngẫu nhiên, tôi may mắn gặp một vị cao nhân ngoài đời thương hại tôi mà đã chỉ bảo cho tôi chút ít võ nghệ. Nhưng ông ta bắt tôi thề không được nói tên tuổi của ông cho ai biết. Vì lẽ đó, xin hai vị đại ca lượng thứ cho.
Thấy chàng thành thật như vậy, sở dĩ chúng tôi muốn hỏi Thôi đại ca là vì có một việc muốn hỏi.
- Hai vị có việc gì, nếu tiểu đệ có thể làm được, tiểu đệ xin giúp ngay. Cùng là người nhà với nhau cả, hai vị hà tất phải khách khứa như vậy.
Châu An Quốc nói:
- Xin đại ca hãy chờ một tí để tôi đi kiếm thêm hai người bạn nữa đến đây trò chuyện.
Thôi Thu Sơn thấy thái độ của Châu An Quốc rất thận trọng, nhưng không biết định nhờ vả mình vào việc gì. Châu An Quốc và Ngụy Hạo cho gọi họ ứng và họ La đến.
Người họ ứng hỏi:
- Có việc gì thế?
Châu An Quốc trả lời:
- Người kia võ nghệ giỏi lắm. Anh em chúng ta đây không ai địch nổi hắn. Nghe hắn nói chuyện, tôi nhận thấy hắn là người chánh trực và hào phóng lắm.
Ngụy Hạo nói:
- Nhưng hỏi đến sư phụ hắn thì hắn giấu diếm không chịu nói.
Rồi y kể lại câu chuyện nói với Thu Sơn cho họ ứng và họ La nghe.
Người họ Ứng tên Tòng, là mưu sĩ dưới trướng của Viên Sùng Hoán. Vụ vây thành Ninh Viên năm nọ, y cũng có rất nhiều công lao trong đó. Người họ La tên Đại Can, là một pháo thủ trứ danh. Trong trận đánh ở Ninh Viên, y châm ngòi thuốc hồng y đại bác bắn chết vô số quân Thanh. Nhờ công đó, y mới được thăng lên chức Tham tướng.
Sau khi Viên Sùng Hoán bị xử tử oan, bộ hạ hắn tản mác, ai nấy trở về quê hương làm ruộng. Ứng Tòng nói:
- Chúng ta cứ nói thật, yêu cầu hắn giúp xem hắn trả lời ra sao.
Châu An Quốc nói:
- Tôi thiết tưởng việc này nên hỏi qua ý kiến của Tổ tướng công đã.
Ứng Tòng đáp:
- Phải đấy.
Nói đoạn y quay vào gian trong, thấy Trọng Thọ và Thất Hổ đang chuyện trò tương đắc. Nhưng y cũng mời Trọng Thọ ra bên ngoài bàn bạc mấy câu. Trọng Thọ nói:
- Ứng sư gia, việc này quan hệ đến đời sống của tiểu chủ nhân. Trước hết, sư gia phải hỏi xem người họ Thôi có bằng lòng hay không đã.
Ứng Tòng gật đầu nghe lời, rồi cùng Châu An Quốc, Ngụy Hạo, La Đại Can ba người đến gặp Thôi Thu Sơn, Ứng Tòng nói:
- Chúng tôi có một việc, chỉ có Thôi đại ca mới giúp được thôi. Cho nên⬦
Thôi Thu Sơn thấy Ứng Tòng muốn nói lại ngừng, vẻ mặt sượng sùng. Chàng sốt ruột hỏi luôn:
- Đệ là người thô lỗ. Các vị định chỉ bảo điều gì, xin cứ nói. Nếu việc gì có thể làm được, quyết không chối từ.
Ứng Tòng nói tiếp:
- Thôi huynh sảng khoái như vậy chúng tôi xin nói thật để huynh rõ. Viên đại soái chúng tôi bị hãm hại, còn lại một người con trai. Lúc bấy giờ cậu ta mới lên bảy. Chúng tôi cố gắng mãi mới cứu được cậu ta thoát nạn. Trước sau đã ác chiến với bọn Cẩm Y vệ 3 lần. Anh em chúng tôi có 2 người tử nạn. Nay mới bảo toàn được một chút cốt nhục đó cho Viên đại soái chúng tôi. Vị tiểu chủ chúng tôi là Thừa Chí. Và bốn anh em chúng tôi đảm nhiệm dạy cậu ta cả văn lẫn võ. Cậy ấy thông minh lắm chỉ bảo qua vài lần là hiểu ngay. Mấy năm nay bản lĩnh của chúng tôi đã truyền hết cả cho cậu ta rồi. Cậu ấy tuổi hãy còn nhỏ, tuy có một vài môn võ vẫn chưa lĩnh hội hết, nhưng nếu còn theo học chúng tôi nữa, thế nào cậy ấy cũng tiến bộ rất nhanh. Và sẽ có một tương lai rất lớn.
Thôi Thu Sơn đã hiểu ý nghĩ lời nói của Ứng Tòng liền trả lời:
- Các vị tính cho cậu ấy theo tôi học võ phải không?
Châu An Quốc trả lời:
- Vừa rồi chúng tôi thấy đại huynh ra tay đánh bại hai tên gian tặc. Chúng tôi công nhận võ nghệ của đại huynh giỏi hơn chúng tôi nhiều. Nếu Thôi đại ca chịu thâu nhận cậu ấy làm đồ đệ, dạy dỗ thành tài. Không riêng gì anh em chúng tôi, cả linh hồn của Viên đại soái chúng tôi nơi cửu tuyền cũng cám ơn đại ca vô cùng.
Nói đoạn bốn người cùng chắp tay vái lạy. Thôi Thu Sơn vội đáp lễ rồi ngẫm nghĩ giây phút mới trả lời:
- Được các vị coi trọng như vậy, tôi đâu dám từ chối. Nhưng hiện giờ tôi đang phục vụ trong quân đội Lý tướng quân, nay đây mai đó, không một lúc nào được ở một chỗ. Và chiến đấu với quan quân luôn luôn, chưa biết sống chết lúc nào. Nếu Viên công tử có theo tôi ở trong hàng ngũ, một là tôi e không có thì giờ dạy cậu ấy hai là nguy hiểm vô cùng.
Bốn anh em Ứng Tòng ngẫm nghĩ lời nói của Thu Sơn cũng phải. Ai nấy đều thất vọng, Thu Sơn bỗng nói lớn:
- Có một người võ nghệ giỏi gấp tôi trăm lần. Nếu ông ta bằng lòng thâu nhận thì thật may mắn cho công tử lắm.
Nói đoạn, chàng chợt nghĩ ra điều gì lắc đầu lẩm bẩm nói thầm:
- Không xong, không xong.
Lưu Nhất Hổ đã điều đình xong công việc liên minh với Tổ Trọng Thọ. Ngày hôm sau, mọi người tuyên thệ trước bàn thờ Viên Sùng Hoán. Thề quyết cùng nhau sanh tử, không ai được phụ lòng ai. Sau đó, Tổ Trọng Thọ thu xếp cho Triều Tôn, Bàng Cử và Hầu Khang, ba người lên đường về nhà. Khi chia tay, chàng nói với Triều Tôn và Bàng Cử rằng:
- Chúng ta gặp nhau đây, cũng do số phận xuôi nên hạnh ngộ này. Tất cả những sự gì xảy ra trên Sơn Tôn này xin hai vị đừng tiết lộ ra ngoài nửa câu. Nếu không nghe lời tôi, hậu quả ra sao, tôi không dám nói trước.
Hầu Triều Tôn và Dương Bàng Cử dạ dạ luôn miệng. Trọng Thọ tặng cho mỗi người 50 lạng làm tiến lộ phí, và còn phái hai người đàn em tiễn bọn Triều Tôn ba người xuống núi. Trải qua bao cuộc hiểm nguy, Triều Tôn và Bàng Cử đều chán nản cực độ. Một người đóng cửa ở nhà đọc sách, sau trở nên một nhà văn tên tuổi về cuối đời nhà Minh. Còn một người thấy trên giang hồ có biết bao nhiêu người tài giỏi xét ra "ngọn núi này đã cao lại còn núi khác cao hơn, ngoài vòm trời này lại còn vũ trụ khác", nên chàng đóng cửa cục tiêu lại, xoay sang nghề nông, suốt đời không nhắc nhở đến chuyện võ. Sau chàng bị quân Thanh giết chết.
Thương thuyết cuộc Liên minh xong, Lưu Nhất Hổ cùng người họ Điền hạ sơn trở về đơn vị trong đội Lý Tự Thành. Các bộ hạ Viên Sùng Hoán có một số người tham gia nghĩa quân Lý Tự Thành, còn một sối thì về nguyên quán sửa soạn cuộc khởi nghĩa.
Tổ Trọng Thọ, Châu An Quốc, Ngụy Hạo và Ứng Tòng, thì ở lại núi để bàn tán về việc xuất sư sau này của Viên Thừa Chí.
Được tin Thôi Thu Sơn nhận lời dạy cho mình Phục Hổ chưởng, Thừa Chí mừng đến nỗi suốt đêm hôm đó không ngủ được. Sáng hôm sau, vì ai nấy đều bận việc nên không có thì giờ nhắc nhở tới việc dạy võ. Chiều, mọi người lũ lượt xuống núi. Trước khi ra về, họ đều vào từ biệt tiểu chủ nhân, như vậy lại bận rộn thêm nửa ngày. Tối hôm ấy, Tổ Trọng Thọ vào trong thắp một đôi nến đỏ, đặt chiếc ghế bành ở giữa mời Thôi Thu Sơn ngồi lên trên ghế đó để Viên Thừa Chí làm lễ bái sư, Thôi Thu Sơn nói:
- Thật quả mới trông thấy chú em họ Viên, tôi đã cảm tình liền. Nay chú ấy thích học võ Phục Hổ chưởng, tôi xin vui lòng ở lại đây vài ngày để truyền thụ cho chú ấy.
Nhưng liệu trong mấy ngày trời, có thể học thành tài không? Và thành tài rồi có thể sử dụng được không? Những điều đó cần phải xem sự học tập với nhau thôi, chớ tôi không dám nhận thầy trò đâu!
Ứng Tòng nói:
- Quí hồ đại ca dạy cho năm ba miếng, một vài hiệp suốt đời cũng là sư phụ rồi. Hà tất đại ca phải khiêm tốn như thế?
Thôi Thu Sơn nhất định không nhận. Mọi người không sao cưỡng ép nổi, đành phải thôi, không nói tới nữa.
Mọi người cũng biết luật lệ của võ lâm. Thôi Thu Sơn ngồi trên ghế nghiêm nghị hỏi:
- Thừa Chí, thế Phục Hổ chưởng pháp này do một vị cao nhân tiền bối truyền cho. Tôi tuy chưa lãnh hội hết sự tinh vi huyền ảo của nó, nhưng ở chốn giang hồ, với kẻ địch hạng bình thường thì cũng dư sức để đối phó. Lúc ông ta truyền thụ cho tôi thế Chưởng pháp này có bắt tôi thề độc rằng: Sau khi học thành tài môn võ này, quyết không được giết hại người vô tội, đè nén kẻ lương dân.
Thừa Chí là người rất thông minh, nghe Thu Sơn nói như vậy vội quỳ ngay xuống và nói rằng:
- Đệ tử Viên Thừa Chí, sau khi học xong Phục Hổ chưởng pháp, quyết không đè nén lương thiện, giết hại kẻ vô tội. Bằng không, bằng không⬦
Vì không biết phải nói như thế nào, nên Thừa Chí nói tiếp:
- Bằng không sẽ bị sư phụ đánh chết.
Thu Sơn cười nói:
- Tốt lắm!
Bỗng thoáng một cái, người đã biến mất. Thừa Chí vội quay mình lại, thấy Thu Sơn đã ở đằng sau, và vỗ vai y vừa cười vừa nói:
- Chú bắt lấy tôi nhé.
Nhờ được danh sư Châu An Quốc và Ngụy Hạo chỉ bảo, nên võ nghệ của Thừa Chí có chút căn bản. Y đột nhiên hạ tấn xuống, tay trái đánh dứ một miếng, tay phải quàng về phía sau, nhưng y không quay mình lại, chỉ cần nghe hơi gió để phân biệt thân hình đối phương, rồi nhắm đùi Thu Sơn nắm lấy.
Thu Sơn mừng thầm:
- Biết sử dụng miếng này kể cũng khá lắm đấy!
Vừa nói dứt lời, tay chàng khẽ vỗ vào vai Thừa Chí, rồi thoắt một cái, chàng lại biến mất.
Áp dụng theo sự chỉ dẫn của Ngụy Hạo, Thừa Chí định thần nhìn, hơi dang hai tay ra, nhờ vậy cũng yểm hộ được các chỗ hiểm yếu của toàn thân. Y thấy thân pháp của Thu Sơn nhanh nhẹn lạ lùng, bắt thế nào cũng không nổi. Y không chạy vòng quanh như bịt mắt bắt dê nữa. Y lùi từng bước một, lui về phía chân tường. Rồi nhảy một cái, đứng sát lưng vào tường, y vừa cười vừa nói:
- Thôi thúc thúc, cháu đã trông thấy thúc thúc rồi!
Lúc ấy Thu Sơn không thể vòng ra sau lưng y được, liền ngừng bước, cả cười nói:
- Giỏi lắm! Giỏi lắm! Cháu không những khôn ngoan mà căn bản võ nghệ cũng khá. Thế Phục Hổ chưởng này học thế nào cũng đạt.
Thế rồi, bắt đầu từng miếng từng hiệp một, chàng dạy Thừa Chí cho hết thế võ đó. Thế "Phục Hổ chưởng" này có tất cả 108 miếng, mỗi miếng lại có 3 đường biến hóa "kỳ chính tương sinh tương khắc" cộng tất cả là 324 đường, Viên Thừa Chí đều nhớ hết cả. Thôi Thu Sơn lại dạy thêm 3 lần nữa. Thừa Chí đã học thuộc hoàn toàn thế võ đó. Thu Sơn vừa dạy vừa giảng, đem mỗi miếng mỗi biến hóa như thế nào để truyền thụ cho Thừa Chí một cách rất tỉ mỉ. Thừa Chí có căn bản sẵn, lại thêm thông minh có thừa, nên cả những chỗ tinh vi nhứt, y cũng lãnh hội hết, chỉ vì chưa tập được thành thục cho lắm, nên chưa có thể sử dụng được ngay thôi. Một người càng dạy càng thấy hứng thú, một người rất chăm chỉ học hỏi, nên cả hai tập luyện cho tới đêm khuya.
Sáng hôm sau, Thôi Thu Sơn ra ngoài bách bộ, trông thấy Thừa Chí một mình ở bãi đất hoang tập luyện võ nghệ. Y đem 108 miếng "Phục Hổ chưởng" hóa đi biến lại mà còn quán xuyến cả tám yếu quyết tinh vi. Thấy vậy, Thôi Thu Sơn bỗng nhảy vào nhằm giữa lưng đá một cái. Thừa Chí nghe thấy sau lưng có tiếng gió, vội né mình quài tay nắm luôn chân của kẻ địch. Đến khi nhận kĩ ra, y mới biết người tấn công mình là Thôi Thu Sơn, y liền rút tay lại và la lớn:
- Kìa, Thôi thúc thúc!
Thôi Thu Sơn vừa cười vừa nói:
- Đừng ngừng tay, cứ tiếp tục đánh đi.
Nói đoạn, chàng bổ luôn vào mặt Thừa Chí. Y không tránh mà lại thêm một bước đấm luôn một quyền vào hạ mạng Thôi Thu Sơn. Miếng võ này là miếng thứ 89 củathế võ "Phục Hổ chưởng" gọi là "Thâm Nhập Hổ Huyệt", Thôi Thu Sơn tấm tắc khen ngợi:
- Đúng lắm, đánh như thế được lắm.
Chàng miệng nói, tay vẫn không ngừng tiếp tục tấn công Thừa Chí. Có miếng nào Thừa Chí sai lầm, chàng lại chỉ bảo ngay, hai người, kẻ đi người lại, đem 324 đường biến hóa không cùng, càng vận dụng càng thấy kỳ lạ. Thừa Chí còn sung sướng hơn nhặt được của báu. Tập cho tới khi Thừa Chí mồ hôi nhễ nhại, Thôi Thu Sơn mới cho phép ngừng tay. Trong khi nghỉ ngơi, chàng giảng giải những miếng hóc hiểm cho Thừa Chí biết. Giảng giải xong, hai người lại đứng dậy tiếp tục luyện tập.
Từ sáng sớm cho đến khuya, ngoài hai bữa ăn ra, Thừa Chí không chịu bỏ phí một giờ phút nào cả.
Luyện tập trong bảy ngày liền, sáng ngày thứ tám, Thôi Thu Sơn lại nói:
- Tất cả võ nghệ của tôi đã truyền cho chú hết rồi. Còn sự thành công hay không, phải xem sau này chú có chịu khó luyện tập luôn không đã⬦ Khi giao đấu với địch, dù áp dụng thế võ nào cũng vậy, ta chỉ có thể tin cậy vào tài nghệ bảy phần mười thôi, còn ba phần kia cậy nhờ vào trí khôn mới được, chớ nhắm mắt nhắm mũi đánh bừa thì khó lòng thắng lắm.
Viên Thừa Chí xin vâng lời⬦ Thu Sơn lại nói tiếp:
- Ngày mai tôi phải trở về với Lý tướng quân. Sau này chú phải chăm chỉ tập luyện lấy.
Thừa Chí mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ. Thôi Thu Sơn tuy ở với Thừa Chí có mười ngày, nhưng chàng đã dạy cho y tất cả bí quyền của thế võ "Phục Hổ chưởng." Như vậy đủ thấy chàng thương mến Thừa Chí không cầm nổi cảm xúc, mếu máo khóc muốn bật ra tiếng. Thôi Thu Sơn sống trong hàng ngũ lâu năm, tuy giết người không hề chớp mắt nhưng thấy tình quyến luyến chân thật của Thừa Chí, chàng cũng phải cảm động.
Thôi vuốt ve vỗ về Thừa Chí giây lát rồi nói:
- Người thông minh như chú trong võ lâm này ít có lắm. Chỉ tiếc rằng chúng ta hông có dịp đoàn tụ lâu ngày.
- Thôi thúc thúc, cháu xin thúc thúc đến trại Lý tướng quân cũng được chớ sao?
- Chú con nhỏ tuổi, đến chỗ ấy ở sao được!
Vừa nói tới đấy, bỗng nghe tiếng kêu của nó không giống cọp mà cũng chẳng giống sài lang!
- Nó là báo đấy!⬦
Chàng đang nói, sực nghĩ ra điều gì, rồi lại nói tiếp:
- Chúng ta ra ngoài bắt sống con Báo ấy đi. Tôi cần dùng loại thú này⬦
Tính tò mò xúi giục, Thừa Chí vội cướp lời:
- Chú muốn dùng nó để làm gì?
Thôi Thu Sơn chỉ cười mà không nói, Thừa Chí đi theo ra, thấy chàng không cầm khí giới bèn hỏi:
- Thôi thúc thúc định dùng khí giới gì bắt con báo ấy thế?
Ngờ đâu Thu Sơn không ra thẳng ngoài cửa lại bước vào gian trong, chỗ ở của Tổ Trọng Thọ, rồi lên tiếng gọi:
- Châu đại ca, Ngụy đại ca, hai vị có ở trong đó không?
Nhờ các vị giúp hộ một tay, ra ngoài kia dồn hộ con báo vào trong này. Tôi đang cần dùng tới nó.
Ngụy Hạo là tay thiện nghệ giết hổ, thấy Thu Sơn nhờ mình một việc đúng sở thích, như gãi đúng chỗ ngứa liền trả lời:
- Được, để tôi dồn cho!
Nói đoạn, chàng cầm luôn chiếc đinh ba vẫn săn hổ, xông ra ngoài cửa. Thu Sơn vội gọi:
- Ngụy đại ca! Xin đại ca đừng đả thương nó nhé!
Ngụy Hạo ở đằng xa đáp vọng lại, vâng lời. Tiếp theo đó tiếng hò hét của chàng vang động trên đỉnh núi.
Thu Sơn, An Quốc và La Đại Can hai người cũng nhảy theo ra ngoài cửa. Thừa Chí cầm đoản thương định theo ra, Tổ Trọng Thọ vội gọi lại:
- Thừa Chí, cháu đừng ra nữa. Chúng ta ở lại trong này mà xem.
Bất đắc dĩ Thừa Chí phải ngừng bước, rồi cùng Trọng Thọ và Ứng Tòng ba người đứng tựa cửa sổ, nhìn ra phía ngoài xem. Thấy ba người ta cầm bó đuốc, chia nhau đứng Đông, Tây, Bắc ba ngã. Ngụy Hạo tay cầm đinh ba, chiến đấu với một con báo thật lớn ở bên sườn núi. Chàng chỉ dùng đinh ba cản không cho con báo vồ tới, chớ không đả thương nó. Báo thấy ánh sáng lửa hoảng sợ, muốn chạy, nhưng bị Thu Sơn, An Quốc và Đại Can ba người chận lại. Con báo cũng tinh khôn lắm, thấy Thu Sơn tay không, liền gào một tiếng thật lớn, nhảy tới định vồ. Thu Sơn né mình tránh khỏi đôi chân đầy móng sắc bén của con thú, rồi tay phải cứng như sắt, tạt luôn một cái vào trán cao báo. Con thú ngã lộn một vòng, quay mình chạy về phía Nam. Thấy cửa phòng phía này mở rộng, con báo tinh khôn lắm, nó nhất định không chịu chạy vào. Nó định quay sang phía khác, nhưng các người đã ập lại. Trong lúc nó đang ngơ ngác nhìn ngược, nhìn xuôi, thì Thu Sơn đã nhảy tới đá mạnh vào mông nó một cái. Con thú bị đau, rú lên một tiếng, chạy thẳng vào trong nhà. Lúc ấy Ứng Tòng đã đóng kín các cửa ngõ lại, chỉ để một cánh bên phía Tây. Thấy các người cầm đuốc đi tới, con báo vừa gầm gừ vừa đi thẳng vào phía trong cửa ngõ đó. Đại Can theo sau, rồi đóng nốt cánh cửa ấy lại. Thế là con báo bị nhốt ở trong điện.
Mọi người thấy bắt được con báo rồi, ai nấy vẻ mặt hân hoan, nhìn thẳng vào phía Thu Sơn như muốn hỏi chàng định bắt con báo ấy làm gì. Thu Sơn mỉm cười nói:
- Thừa Chí, chú vào đánh con báo ấy đi!
Chàng vừa dứt lời, mọi người đều giật mình sợ hãi, Trọng Thọ nói:
- Tôi e cháu Chí đánh không nổi con thú ấy đâu.
Thu Sơn vội trả lời:
- Không sao, đã có tôi ở cạnh trông nom; con báo ấy không làm gì nổi chú ấy được.
Thừa Chí nhanh nhẩu:
- Cháu xin vào ngay!
Tay cầm đoản thương, y đẩy cửa định bước vào, Thu Sơn vội cản lại:
- Hãy khoan, chú để cây thương xuống, vào đánh bằng tay không!
Thừa Chí ngẩn người trong giây phút nhưng y hiểu ngay ý định của Thu Sơn là muốn y dùng "Phục Hổ chưởng" mới học được để đối phó với con báo kia. Tuy vậy, y vẫn rụt rè chưa dám vào. Thu Sơn lại thúc giục:
- Cháu sợ phải không?
Thừa Chí không ngần ngại nữa, đẩy mạnh cánh cửa, ung dung tiến thẳng vào. Chỉ nghe thấy một tiếng "gầm" thật lớn, rồi một bóng đen nhảy tới vồ vào đầu Thừa Chí. Chàng né mình tránh sang một bên, rồi thuận tay tạt một cái vào mang tai con báo. Tuy bị đánh trúng, nhưng tay chàng bé nhỏ yếu ớt, nên con báo không thấy đau đớn chút nào, nó quay đầu lại giơ chân cào Thừa Chí, chàng nhảy tới phía sau con thú, hai tay nắm lấy đuôi kéo. Lúc ấy Thu Sơn đã đứng cạnh đó để bảo vệ, vì sợ con báo phát cáu nổi khùng, Thừa Chí sẽ không chế ngự nổi. Y tuy ít tuổi nhưng thế võ Phục Hổ chưởng y đã biết sử dụng thuần thục, nên tuy con báo vồ ba lần, cào ba lần, rốt cuộc vẫn không đụng chạm nổi vạt áo của chàng. Trái lại, nó còn bị chàng đánh cho một cái tát và tiếp luôn một cái đá.
Tổ Trọng Thọ, Châu An Quốc, Ngụy Hạo, ba người thấy Thừa Chí tay không đấu với báo, mặc dù đã có Thu Sơn đứng cạnh bảo vệ, nhưng vẫn còn lo ngại thay cho y.
Trong khi An Quốc và Ngụy Hạo đều cầm sẵn ám khí để đề phòng lúc nguy cấp giết báo cứu người.
Dưới ánh sáng của mấy bó đuốc thắp chung quanh, Thừa Chí nhảy nhót né tránh nhanh nhẹn vô cùng. Lúc đầu cậu ta không dám tới gần con báo. Nhưng sau đến khi sử dụng mới thấy "Chưởng pháp Phục Hổ" ảo diệu vô cùng. Càng đánh, càng thấy phấn khởi tinh thần. Vì bàn tay quá nhỏ và sức lực còn yếu ớt thấy đánh vào con thú không ăn thua gì, cậu liền xoay ra cách lôi kéo. Mỗi lần lôi là mỗi lần cậu vặt được một nắm lông của con báo. Con thú bị đau, rống lên ầm ĩ. Và nó cũng bắt đầu sợ đôi bàn tay bé nhỏ của Thừa Chí. Nó vừa nhe răng, vừa lui để trốn tránh kịp. Chỉ trong chốc lát, hầu khắp căn điện đầy lông báo bay tứ tung. Con báo bị vặt trụi lông, trông thật kỳ lạ, mọi người đứng xem đều cười ồ cả lên.
Thấy đánh mãi vẫn chưa phục nổi con báo, Thừa Chí đột nhiên đổi sang miếng "Bồ Tát Đê Mi" (Bồ tát lim dim đôi mắt). Cậu cúi thấp xuống, xông thẳng trước mặt con báo. Con thú ngơ ngác, rồi nhảy lên vồ Thừa Chí. Thấy cậu ta đã ở dưới bụng con thú nọ, Ngụy Hạo sợ quá, phi ngay song tiêu. Con báo tinh khôn lắm, giơ chân phải gạt song tiêu.
Lúc ấy không thấy hình bóng Thừa Chí đâu cả. Mọi người nhìn kỹ thì cậu đang núp dưới bụng báo, hai chân quặp lấy bụng nó, còn đầu thì đỡ cằm con thú lên, khiếncon vật muốn cắn không được, muốn cào không tới. Nó cứ nhảy đi nhảy lại, rồi lại lăn lộn dưới đất mấy vòng mà Thừa Chí vẫn ôm chặt không buông.
Một người, một thú cứ cầm cự nhau mãi. Nhưng Thừa Chí tự biết sức mình, nếu cứ kéo dài như thế mãi, cậu sẽ bị đuối sức. Hễ buông tay ra là cậu bị con báo vồ ngay, càng nghĩ càng sợ, cậu vội gọi:
- Thôi thúc thúc giúp cháu với!
Thu Sơn trả lời:
- Chú lấy đôi mắt của nó trước đi.
Nghe lời chỉ bảo, Thừa Chí vươn tay phải ra móc mắt trái của con báo. Con vật đau quá lồng lộn nhảy nhót dữ dội.
Thu Sơn tiến lên một bước. Chỉ nghe "bốp bốp" hai tiếng, chàng đã dùng thế liên hoàn hai tay đánh trúng đầu con báo. Con thú lắc lư đầu mấy cái, rồi nằm ngửa tênh hênh ra đất hết thở. Chàng liền ẵm Thừa Chí lên, cả cười nói:
- Giỏi lắm! Giỏi lắm!
Nói đoạn, Thu Sơn quay lại nhìn mọi người. Chàng thấy bọn Tổ Trọng Thọ, ai nấy đều kinh hãi đến nỗi mồ hôi toát ra ướt áo. Chàng mở cửa điện, rồi đá vào mông con báo một cái, vừa cười vừa nói:
- Tha cho mi!
Chiếc đá ấy mạnh đến nỗi con thú bị bắn thẳng ra khỏi cửa. Bỗng bên ngoài có tiếng người sợ hãi rú lên.
Mọi người tưởng con báo chưa chết ra tới ngoài lại vồ người liền đổ xô ra xem. Ai nấy đều thất kinh vì thấy xung quanh núi đầy những ánh lửa đuốc sáng tỏa một vùng, thành rừng đao thương lấp loáng phản chiếu bởi những ánh sáng của các ngọn đuốc ấy.
Thì ra quân Minh đã ùn ùn kéo tới vây đánh núi Lão ô.
Cũng may các đảng viên nhóm "Sơn Tôn" đã giải tán từ hồi trưa. Tổ Trọng Thọ xét tình hình thấy khó lòng tẩu thoát khỏi tay kẻ địch. Nhưng có người ngạc nhiên, tự hỏi: Phải chăng những đàn em canh gác dưới núi đều đã bị quân Minh sát hại hết chăng? Nên quân địch mới lên tới đỉnh núi, mà tuyệt nhiên không nghe thấy một tiếng báo động nào!
Những người còn lại trên núi đều là những người từng đánh trăm trận cả. Tuy trong lòng họ hơi e ngại, nhưng không một người nào tỏ vẽ nao núng cả. Trọng Thọ là người có địa vị cao hơn cả nên chàng phải lịnh chỉ huy:
- La tướng quân dẫn tất cả đàn em phụ trách nấu bếp, quét dọn và canh gác miếu ra đầu núi phía Đông phóng hỏa rồi hò hét làm nghi binh.
La Đại Can vâng lời đi luôn. Trọng Thọ nói tiếp:
- Châu tướng quân, Ngụy tướng quân, hai vị tới trước núi, mỗi người bắn 10 phát tên cho quân địch khỏi tiến đến gần. Bắn xong trở lại đây tức thì!
Chờ Châu, Ngụy hai người đi rồi, chàng lại nói tiếp:
- Thôi đại ca! Đệ nhờ đại ca giúp cho một việc rất quan trọng.
Thôi Thu Sơn tiến ra:
- Đại ca muốn tôi bảo vệ Thừa Chí phải không?
- Vâng.
Nói đoạn, Trọng Thọ và Ứng Tòng đều quỳ xuống vái Thu Sơn. Chàng giựt mình vội đáp lễ!
Lúc ấy tiếng hò reo, tiếng trống, tiếng thanh la nổi dậy, phát từ trên núi xuống. Mọi người đoán chắc những tiếng đó, do La Đại Can phát động, mục đích làm cho quân địch bối rối. Trọng Thọ chỉ vào Thừa Chí vội nói với Thu Sơn rằng:
- Viên đại soái chúng tôi chỉ có một người con này thôi. Bây giờ trăm sự nhờ đại ca hộ tống tiểu chủ xuống núi giúp.
Thu Sơn trả lời:
- Tôi xin tận tâm bảo vệ chú Thừa Chí!
Bấy giờ Châu An Quốc và Ngụy Hạo bắn tên xong, trở về. Trọng Thọ lại ra lệnh:
- Tôi và Châu tướng quân cùng đi một đường. Khi gặp La tướng quân ba người chúng tôi sẽ xông xuống núi bên phía Đông. ứng tiên sinh và Ngụy tướng quân xuống bên phía Tây. Bọn chúng ta xông xuống trước để dụ địch tập trung lực lượng về phía chúng ta. Thừa dịp đó, nhờ Thôi đại ca hộ tống giúp Thừa Chí xuống núi ở phía sau. Rồi tất cả sẽ gặp nhau ở trại Lý tướng quân.
Trong lúc nguy cấp mà Tổ Trọng Thọ vẫn bình tĩnh chỉ huy, mọi người đều phục chàng can đảm. Được Ứng Tòng và mọi người dạy bảo mấy năm, nhứt đáp chia ly, lòng Thừa Chí bùi ngùi khôn tả. Cậu ta liền quỳ xuống vái mọi người mấy cái và thưa rằng:
- Tổ thúc thúc, ứng thúc thúc, Châu thúc thúc, Ngụy thúc thúc, cháu⬦ cháu⬦
Cổ họng tắc nghẽn, y không sao nói tiếp được. Tổ Trọng Thọ liền đỡ lời:
- Cháu đi theo Thôi thúc thúc, phải nên ngoan ngoãn nghe lời.
Thừa Chí gật đầu xin vâng.
Lúc đó, quân Minh sắp đánh lên tới đỉnh núi, Ứng Tòng nói:
- Chúng ta đi thôi! Thôi đại ca chờ một lát hãy lên đường nhé!
Mọi người tay cầm khí giới, chia đường xông xuống.
Thấy Thu Sơn tay không, Ngụy Hạo liền giao cây đinh ba cho Thu Sơn và nói:
- Thôi đại ca đỡ lấy.
Thu Sơn trả lời:
- Tôi không cần tới.
Nói đoạn, chàng định giao trả. Nhưng Ngụy Hạo đã đi xa rồi. Chàng đành phải tay trái dắt Thừa Chí, tay phải cầm đinh ba đi về phía sau núi.
Trên sườn núi phía sau cũng có rất nhiều bó đuốc chiếu rọi. Quân Minh đông như đàn kiến vừa hò reo vừa xông lên. Thấy tên và đá bắn như mưa, Thôi Sơn đành phải lùi vào trong Miếu. Chàng xuống bếp lấy hai cái vung chảo; mình cầm cái to, còn cái nhỏ đưa cho Thừa Chí và bảo rằng:
- Chúng ta lấy cái vung này làm tạm cái mộc để đỡ tên đá. Thôi, đi đi!
Hai chú cháu dùng khinh công, nhằm xó tối mà tiến thẳng vào, nhưng hai người bị quân Minh phát giác tung tích. Chúng hò reo, đuổi và bắn theo mấy chục mũi tên.
Thôi Sơn để Thừa Chí chạy trước, còn chàng đi đoạn hậu, tay trái múa vung chảo cản đỡ các mũi tên phía trước, tay phải múa đinh ba gạt mũi tên phía sau. Cả hai cùng theo đường chân núi xông xuống. Bỗng có một nhóm quan quân khá đông, chạy đi ngăn cản nhưng chỉ trong chốc lát đã có mười mấy tên quân bị đinh ba của Thôi Sơn đâm chết. Cây đoản thương của Thừa Chí tuy không giết nổi người nhưng cũng có thể hộ thân cho cậu. Chạy xuống tới lưng chừng núi, hai người định dừng lại nghỉ ngơi chốc lát, bỗng có tiếng hò hét vọng lại, rồi thấy một đội quân Minh khác ở ngang hông núi xông tới. Đi đầu là một viên Thiên Hộ, tay y cầm đại đao bổ thẳng vào đầu Thôi Sơn. Giơ đinh ba lên đỡ, Thôi Sơn thấy chĩu tay, biết tên Thiên Hộ sức lực khá mạnh.
Chàng liền dùng miếng "Độc Long Xuất Động" (rồng độc ra ngoài hang) đâm thẳng sang. Tên Thiên Hộ giơ đao gạt sang một bên và hô lên:
- Các anh em tiến!
Thôi Sơn không dám tiếp tục chiến đấu liền giơ cái vung chảo úp vào mặt kẻ địch. Tên Thiên Hộ vội tránh sang bên phải, Thôi Sơn cả thét lên một tiếng, đinh ba của chàng đâm thẳng vào mạng mỡ kẻ địch. Tới khi rút được cây đinh ba ra, chàng quay lại, không thấy bóng Thừa Chí đâu cả. Chàng thất kinh, bỏ đi tìm. Thấy bên trái có một đám đông đang hò hét, chàng hùng hổ phóng tới. Quân Minh sợ hãi, phải gạt sang hai bên để cho chàng đi. Khi tới gần tới nơi, quả nhiên chàng thấy Thừa Chí đang bị bao vây. Cây đoản thương đã rơi xuống đất, cậu ta chỉ dùng hai bàn tay nhỏ đỡ, thế "Phục Hổ chưởng" mới học được ra đối địch với bọn quân Minh. Vì người nhỏ sức yếu, Thừa Chí càng đánh càng kém thế. Sắp bị nguy hiểm đến nơi, thì may thay, Thôi Sơn đã tới cứu ứng. "Soảng soảng" hai mũi đinh ba đánh ngã hai tên địch, chàng vội kéo luôn Thừa Chí chạy. Bọn quân lính hò hét đuổi theo. Chàng bỗng đứng lại, dùng miếng "Hồi mã thương" đâm ngã hai tên địch đuổi tới gần.
Tiếp theo đó, chàng tiến lên một bước dùng chuôi cán đinh ba hất tung một tên lính lên rơi xuống mỏm đá. Tên lính nọ kêu lên một tiếng thảm khốc, rồi chết ngất.
Bọn quan binh thấy Thôi Sơn thần dũng quá, đều ngưng bước không dám đuổi theo nữa. Thôi Sơn cặp Thừa Chí vào nách, giở khinh công "Đề Tung thuật" (thuật nhẹ mình nhảy nhót) nhảy như bay, tiến thẳng vào trong bóng tối như vào chỗ không người. Không bao lâu đã rời bọn quân binh khá xa, Thôi Sơn mới đặt Thừa Chí xuống và hỏi rằng:
- Chú có bị thương không?
Thừa Chí thấy hỏi, vội giơ tay lau mồ hôi trên mặt thấy dính nhơm nhớm, vội ra chỗ có ánh trăng xem. Thấy tay dính đầy máu, cậu ta sợ quá. Quay lại nhìn mặt Thôi Sơn, cậu cũng thấy dính máu, liền hỏi:
- Thôi thúc thúc, máu⬦ máu⬦
- Không sao. Đó là máu của địch quân. Người chú có chỗ nào thấy đau không?
- Không ạ.
- Hay lắm. Chúng ta đi thôi!
Cả hai cùng bò vào trong bụi cây mà đi. Một tiếng đồng hồ sau, sắp ra khỏi bụi rậm, Thôi Sơn ló đầu ra ngoài xem. Dưới núi, lửa đuốc sáng choang, mấy trăm quân lính đang canh gác ở đó. Chàng rỉ tai Thừa Chí:
- Chỗ này không xuống được. Phải rút lui.
Hai người quay trở lại, đi bộ mấy trăm thước, trông thấy một cái hang rất rộng. Trước cửa hang, cây cỏ um tùm, khó lòng phát giác, cả hai cùng chui vào trong đó ẩn núp, Thừa Chí trẻ người non dạ, đang ở chỗ nguy hiểm mà vẫn ngây thơ, không biết sợ hãi gì cả. Vì mỏi mệt quá, chỉ trong chốc lát, Thừa Chí ngủ lăn ra đất, Thôi Sơn khẽ ẵm cậu lên, ôm vào trong lòng. Lát lâu, tiếng hò reo của quân trên núi ánh sáng tỏ bừng, chắc quân Minh đang phóng hỏa đốt ngôi miếu. Lát lâu nữa, lại nghe thấy tiếng thâu binh của quân Minh, rồi đại đội người ngựa đi qua. Thôi Sơn kêu khổ thân, vì chỗ hang núi chàng ẩn núp ở ngay bên cạnh con đường xuống núi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét